Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Cách phát hiện và sơ cứu khi người thân bị đột quỵ

Chỉ riêng Trung tâm Cấp cứu và Can thiệp đột quỵ quốc tế (Q2, TP HCM) trong 3 tháng gần đây, đã tiếp nhận cấp cứu hơn 120 trường hợp đột quỵ, trong đó 50% là những người trẻ

Đột quỵ là nguyên nhân thứ ba gây tử vong sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Tỷ lệ tử vong ở nước có thu nhập thấp nhiều gấp 5 lần ở nước có thu nhập cao. Đột quỵ cũng là nguyên nhân chủ yếu gây tàn phế.
Bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ
Tại các BV trên địa bàn TP HCM như Nhân dân 115, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Quốc tế Phúc An Khang…, những ngày gần đây, số bệnh nhân đột quỵ không ngừng tăng, nhập viện dồn dập.
Riêng BV Nhân dân 115 lúc nào cũng quá tải những ca bệnh loại này. Khoa Bệnh lý Mạch máu não của BV chỉ 130 giường nhưng hiện có từ 160-170 bệnh nhân nằm điều trị, chưa kể trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 30 ca trở lên. “Đáng lưu ý là số người trẻ đột quỵ gần đây gia tăng, chiếm từ 10%-15% tổng số bệnh nhân điều trị” – TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115, cảnh báo.
sơ cứu người bị đột quỵ
Trong khi đó, Trung tâm Cấp cứu  và Can thiệp đột quỵ quốc tế khoảng 3 tháng gần đây đã tiếp nhận cấp cứu hơn 120 trường hợp đột quỵ, trong đó 50% là những người trẻ. TS-BS Trần Chí Cường cho biết điều đáng báo động là hiện tượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ. Trong số những bệnh nhân mà ông xử trí, không ít người ở độ tuổi 35-40, thậm chí 18-22. Hiện nay, tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam còn khá cao (30%-40%) so với thế giới (20%).
Triệu chứng đột quỵ
Trong vòng vài giờ sau khi tai biến mạch máu não xảy ra, các triệu chứng đột ngột xuất hiện:
– Yếu liệt hoặc tê rần ở vùng mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là một bên cơ thể, chỉ một tay hoặc một chân.
– Lú lẫn, rối loạn lời nói hoặc hiểu biết (khó tìm từ hoặc không hiểu từ; nói líu ríu, lắp bắp).
– Không nhìn thấy ở một hay cả hai mắt, hoặc nhìn một hóa hai.
– Khó khăn khi bước đi, mất thăng bằng, chóng mặt hoặc khó phối hợp các động tác.
– Nhức đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân. Suy giảm ý thức nhanh chóng. Mất thăng bằng, chóng mặt, nôn, kèm theo nhức đầu.
Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn còn tỉnh táo, nhưng đa số bị giảm sút tri giác (như lơ mơ, ngủ gà, có thể hôn mê). Bệnh nhân có thể liệt nửa người, liệt mặt và các cơ hầu họng (gây nuốt khó, sặc khi ăn uống, nói khó), tiêu tiểu không tự chủ.
Cách xử trí khi bị đột quỵ
– Cần khẩn trương gọi cấp cứu 115.
– Để bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao 30 độ, nới rộng quần áo, tạo khoảng không thoáng mát để bệnh nhân có thể tiếp nhận oxy không khí dễ dàng,
– Theo dõi sắc mặt, nhịp thở; quan sát xem bệnh nhân tỉnh hay hôn mê
– Trao đổi, trấn an bệnh nhân, nhắc bệnh nhân hít sâu và thở chậm không thở nhanh, gấp.
Nếu bệnh nhân bị co giật, nên để bệnh nhân nằm nghiêng, đề phòng việc bệnh nhân có thể cắn vào lưỡi bằng cách dùng chiếc đũa hay cán muỗng đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân, tuyệt đối không được cho vải vào miệng bệnh nhân, điều này có thể làm bệnh nhân khó thở.
Nếu tình trạng bệnh nhân tệ đi, bệnh nhân hôn mê, ngừng thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
Chú ý: không cạo gió, không xoa bóp, không di chuyển bệnh nhân…
Cách phòng ngừa
Cách tốt nhất là phòng ngừa và tránh tái phát bằng các phương pháp sau:
– Điều trị tốt bệnh huyết áp cao (nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não).
– Phòng và điều trị tiểu đường (yếu tố nguy cơ gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não).
– Ngừng hút thuốc lá, vì thuốc lá là nguy cơ chính của bệnh mạch máu não. Người hút thuốc lá nhiều có thể bị đột quỵ dù chỉ ở tuổi trung niên.
– Phòng và trị bệnh đa hồng cầu (có thể gây cơn thiếu máu não hay nhũn não).
– Khắc phục tình trạng tăng cholesterol máu cùng với triglyceride máu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Nấm linh chi - Đông trùng hạ thảo HQGANO