Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Một số công thức trà dược dưỡng sinh trường thọ

Y học cổ truyền phương Đông đã nhận biết công năng và sử dụng trà làm thuốc chữa bệnh và kéo dài tuổi thọ từ rất sớm. Vì vậy nhiều y thư cổ gọi trà là “vạn bệnh chi dược”

Tác dụng dưỡng sinh trường thọ của trà chính là ở khả năng phòng chống nhiều loại bệnh tật nếu được dùng đúng cách và thường xuyên. Theo Đông y, trà có thể vào cả 5 đường kinh quan trọng là tâm, can, tỳ, phế và thận; có công năng làm sáng mắt, hóa đàm, tiêu thực, lợi niệu, giải độc…

Trà dược dưỡng sinh là gì?
Trà dược, có thể hiểu một cách đơn giản là một dạng dược phẩm đặc biệt được sử dụng dưới dạng nước hãm (xung tễ) hoặc nước ngâm (bào tễ). Nhưng, hiện nay nhờ công nghệ phát triển người ta còn bào chế trà dược hòa tan bằng cách đưa dung dịch trà thuốc đã được xử lý theo quy trình pha chế thích hợp vào máy sấy phun sương để làm khô thành dạng bột trà dược dễ sử dụng và bảo quản.
Trà dược dưỡng sinh trường thọ chính là một loại chế phẩm dùng trà đơn thuần, dùng trà phối hợp với các vị thuốc hoặc dùng trà thay thuốc để phòng chống bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ.
Căn cứ vào thành phần, loại hình sử dụng, cách chế, người ta chia trà dược dưỡng sinh trường thọ thành nhiều loại sau:
– Theo thành phần: Trà diệp đơn hành (chỉ dùng lá trà), trà dược tương phối (phối hợp trà với các vị thuốc) và dĩ dược đại trà (dùng thuốc thay trà).
– Theo dạng sử dụng: Trà hãm, trà ngâm, trà hầm, trà sắc, trà tan.
– Theo cách chế: Trà hỗn hợp (đem các vị thuốc sấy khô, tán vụn rồi trộn đều) và trà đóng bánh (tán dược liệu thành bột thô rồi trộn với hồ hoặc một vị thuốc có chất dính để đóng thành bánh).
Công dụng của trà dược dưỡng sinh
Từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, trà đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu sâu rộng của nhiều nhà khoa học và càng ngày người ta càng phát hiện ra nhiều tác dụng quý giá của trà. Ngoài những công dụng đã biết từ lâu như giải nhiệt chống khát, lợi niệu giải độc, kháng khuẩn tiêu viêm, kích thích tiêu hoá, tăng hưng phấn và cải thiện trí nhớ, chống viêm loét đường tiêu hoá…
Nhiều kết quả nghiên cứu hiện đại còn cho thấy trà có khả năng tăng cường chức năng miễn dịch, làm giảm mỡ máu, chống ôxy hoá và tiêu trừ các gốc tự do, chống phóng xạ, chống mệt mỏi và làm chậm quá trình lão hoá, ổn định huyết áp, dự phòng các bệnh lý rối loạn tuần hoàn não, tiểu đường đường, gout, béo phì, thiếu máu…, đặc biệt trà còn có khả năng phòng chống ung thư. Bởi vậy, công dụng dưỡng sinh trường thọ của trà là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Một số loại trà dược thông dụng
Bài 1:
Nấm linh chi 9g, ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 12g, đường phèn vừa đủ. Hai vị thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, hòa với đường phèn uống thay trà trong ngày.
nguyen tai nam linh chi
Công dụng: dưỡng âm nhuận phế, giảm ho trừ đờm, an thần ích trí, dùng rất thích hợp cho những người bị ho hen lâu ngày, môi khô miệng khát, mất ngủ, đầu choáng mắt hoa, hay quên, tinh thần mỏi mệt, đại tiện táo kết… Trong bài, nấm linh chi đã được chứng minh là do có tác dụng nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống thần kinh, ức chế phản ứng quá mẫn, thúc đẩy quá trình hồi phục của tế bào niêm mạc phế quản, giảm ho, long đờm.
Ngoài ra, loại nấm quý này còn có tác dụng điều hòa huyết áp, cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành, tăng cường sức co bóp cơ tim, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống miễn dịch không đặc hiệu.
Bài 2:
Đông trùng hạ thảo 5g, sa sâm 10g, hai vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
đông trùng hạ thảo khô HQGANO
Công dụng: bổ phế ích thận, nhuận táo dưỡng âm và giảm ho, dùng rất tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, hay có cảm giác nóng bức về chiều, đổ mồ hôi trộm, người gầy, miệng khô họng ráo, đại tiện hay táo.
Trong bài, đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý có công dụng bồi bổ, ích khí dưỡng tinh, giảm ho, long đờm, bình suyễn; sa sâm có tác dụng dưỡng phế, bồi bổ phần âm. Hai vị phối hợp với nhau thành một công thức trà dược bổ dưỡng rất tốt trong mùa thu.
Bài 3:
Nhân sâm 10g, mạch môn, ngũ vị tử 10g. Các vị sấy khô tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: ích khí sinh tân dịch, dưỡng âm cầm mồ hôi, dùng rất thích hợp cho những người suy nhược sau ốm dậy, dễ mỏi mệt, khó thở, miệng khô họng khát, ngủ kém hay mê mộng, hồi hộp, mắc các bệnh lý đường hô hấp lâu ngày gây ho kéo dài, ho khan, khó khạc đờm.
Đây chính là công thức của Sinh mạch tán, một bài thuốc cổ nổi tiếng, đã được chế thành các dạng thuốc tiêm, thuốc uống để điều trị các bệnh lý tim mạch như sốc do tim, viêm cơ tim giai đoạn hồi phục, thiểu năng mạch vành, suy tim, hội chứng yếu nút xoang…
Bài 4:
Nhân sâm 120g, thiên môn 240g, mạch môn 240g, sinh địa 240g, thục địa 240g. Các vị sấy khô, thái vụn, trộn đều, mỗi ngày dùng 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: ích khí dưỡng âm, phù chính cố bản, dùng rất thích hợp cho những người lớn tuổi, hình thể gầy yếu, mắc các bệnh đường hô hấp, ho khan, khó thở, môi khô miệng khát, dễ mỏi mệt, đại tiện táo…
Một số nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh bài trà dược này có khả năng nâng cao thể lực, cải thiện hệ thống miễn dịch và điều tiết hoạt động của tuyến vỏ thượng thận. Người có tuổi bị viêm phế quản mạn tính và hen phế quản dùng khá công hiệu.
Bài 5:
Ngọc trúc 12g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, sinh địa 12g. Các vị sấy khô tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: dưỡng âm, sinh tân dịch, nhuận táo, dùng rất tốt cho những người bị các bệnh có sốt giai đoạn hồi phục như sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ khớp… có các triệu chứng như mệt nhiều, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, người gầy, có thể có ho khan, đổ mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện vàng…
Khi dùng, nếu có hiện tượng đầy bụng, chậm tiêu và đi lỏng thì cho thêm bạch biển đậu sao vàng 10g, mạch nha 15g, gừng tươi một lát.
Để trà dược phát huy hiệu quả cao nhất cần:
– Sử dụng điều độ
– Vì là dược thiện kết hợp, trà dược vừa là đồ uống nhưng lại vừa là dược phẩm, cho nên khi sử dùng phải chú ý tuân thủ, tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Nấm linh chi - Đông trùng hạ thảo HQGANO